Lỗi thường gặp của máy hút mùi và cách xử lý
Trong quá trình sử dụng, người dùng không thể tránh được các lỗi thường gặp của máy hút mùi. Hôm nay, cùng Junger đi tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục trong bài viết bên dưới nhé!
Máy hút mùi không vào điện
1. Nguyên nhân
Nguồn điện không ổn định có thể do dây dẫn bị chập cháy, đứt, hoặc lỏng chân tiếp xúc khiến máy hút mùi không thể hoạt động.
Công tắc nguồn chưa bật hoặc bị hỏng khiến máy không thể nhận được nguồn điện.
Ngắt mạch điện do sự cố hệ thống bị hư hỏng, quá tải làm cho máy hút mùi không vào điện.
Vòng tròn tiếp điện tại dây nguồn có chức năng kết nối mạch từ cuộn dây nguồn xoay tròn vào hệ thống điện của máy hút mùi. Sau thời gian dài sử dụng, các lá đồng tiếp điện thường bị mòn do ma sát, điều này có thể là nguyên nhân khiến máy hút mùi không hoạt động.
Động cơ điện của máy hút mùi sử dụng kiểu rotor dây quấn thường đi kèm với chổi than và cổ góp để truyền điện cho rotor. Chổi than được làm bằng carbon, do đó nó sẽ mòn nhanh chóng trong quá trình sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu suất của máy hút mùi. Nếu tình trạng này kéo dài, máy hút mùi có thể ngừng hoạt động hoàn toàn.
2. Cách xử lý
Để khắc phục, cần kiểm tra chính xác nguyên nhân để có biện pháp sửa chữa phù hợp.
Nếu máy hút mùi không vào điện do điện bị chập, dây dẫn bị đứt, chuột cắn, chân cắm bị lỏng hãy thử cắm máy vào ổ khác hoặc kiểm tra dây dẫn.
Tháo vỏ máy và kiểm tra công tắc. Dùng bút thử điện để kiểm tra xem công tắc máy có điện hay không. Nếu công tắc bị hỏng, hãy thay công tắc mới.
Kiểm tra cầu chì và công suất máy hút mùi để đảm bảo thiết bị không bị quá tải. Nếu phát hiện máy hoạt động quá mức, hãy kịp thời giảm tải để tránh hỏng hóc và nguy cơ cháy nổ.
Kiểm tra vòng tròn tiếp điện tại dây nguồn cẩn thận tránh dây cót bung ra và thay mới nếu cần thiết.
Kiểm tra thường xuyên chổi than, nếu bị mòn quá nhiều hãy thay mới để tránh giảm hiệu suất của máy.
Liên hệ trung tâm dịch vụ bảo hành để được sửa chữa và bảo dưỡng linh kiện bên trong máy. Không tự ý sửa tại nhà nếu không có chuyên môn tránh gây ra hỏng hóc thêm.
Máy hút mùi chạy yếu, không hút được
1. Nguyên nhân
Bộ lọc và bề mặt máy không được vệ sinh thường xuyên khiến bụi và dầu mỡ tích tụ trên bề mặt và trong máy sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của máy hút mùi. Hoặc bộ lọc quá cũ làm máy hút yếu hơn.
Than hoạt tính trong máy hút mùi giúp loại bỏ hiệu quả các mùi tanh hôi từ thực phẩm, đồng thời giữ lại bụi bẩn, độc tố, vi khuẩn, và dầu mỡ, duy trì không gian bếp sạch sẽ và an toàn cho sức khỏe gia đình. Nếu không vệ sinh hoặc thay thế định kỳ sẽ làm giảm hiệu suất hút của máy.
Động cơ chạy yếu do không bảo dưỡng định kỳ khiến dầu mỡ tích tụ trong máy có thể làm giảm hiệu suất động cơ.
Tụ điện bị nóng, gặp sự cố do máy hoạt động liên tục trong thời gian dài.
2. Cách xử lý
Vệ sinh bộ lọc và máy hút mùi thường xuyên khoảng 1-2 lần/tuần.
Các bước vệ sinh bạn thực hiện như sau:
Bước 1: Trước khi vệ sinh, rút máy ra khỏi nguồn điện.
Bước 2: Chọn chất tẩy rửa phù hợp với chất liệu của sản phẩm bạn đang sử dụng.
Bước 3: Sử dụng khăn mềm và một chút chất tẩy chuyên dụng để làm sạch phần thân và vỏ máy nếu máy bằng inox. Nếu phần vỏ máy làm bằng kính, xịt một ít nước lau kính rồi dùng khăn khô lau sạch.
Bước 4: Sử dụng nước nóng và xà phòng vệ sinh tấm lưới lọc bằng cách chà sạch 2 mặt. Nếu tấm lọc quá cũ, hãy thay mới để đảm bảo khả năng hoạt động của nó.
Bước 5: Dùng khăn mềm để vệ sinh cánh quạt bên trong máy, loại bỏ bụi bẩn và lau chùi động cơ. Cuối cùng, lắp các bộ phận lại vào máy và bật công tắc để kiểm tra xem máy có hoạt động không.
Kiểm tra và thay thế than hoạt tính định kỳ 1-2 lần/năm. Bạn có thể tự thay thế tại nhà chỉ với một vài bước đơn giản:
Đối với vỉ lọc có hai mặt bằng nhựa cứng: Mở chốt và tách hai mặt của vỉ để đổ hết than cũ ra ngoài. Sau đó, rửa sạch vỉ lọc với nước và lau khô. Cuối cùng, cho than hoạt tính mới vào trong vỉ và khóa chốt lại.
Đối với vỉ lọc có một mặt bằng nhựa và một mặt bằng vải: Tách lớp vải ra để đổ hết phần than cũ bên trong. Sau đó, giặt miếng vải và phơi khô. Cuối cùng, cho than hoạt tính mới vào vải khô và lắp vào vị trí cũ.
Liên hệ các kỹ thuật viên có chuyên môn để kiểm tra và sửa chữa các bộ phận bên trong máy.
Đèn của máy hút mùi không sáng
1. Nguyên nhân
Do nguồn điện không ổn định.
Lỗi trong quá trình lắp đặt đèn không khớp, chính xác.
Đèn bị cháy.
2. Cách xử lý
Kiểm tra nguồn điện đến bóng đèn.
Nếu có nguồn điện mà bóng đèn không sáng là do đèn đã cháy.
Mua và thay mới bóng đèn cho máy hút mùi. Bạn có thể tự thay thế bóng đèn tại nhà bằng cách tìm mua bóng đèn phù hợp và lắp thế vào vị trí bóng đèn bị hỏng.
Máy hút mùi kêu to
1. Nguyên nhân
Lắp đặt ống thoát khí không đúng cách, các khớp nối không chặt hoặc lắp lệch có thể gây ra tiếng ồn khi máy hoạt động.
Kích thước ống thoát khí quá nhỏ khiến khí bị dồn nén, gây ra tiếng ồn hoặc thậm chí làm cháy máy.
Sử dụng máy hút mùi kém chất lượng.
Chọn chế độ hút mạnh có thể gây ra tiếng ồn lớn hơn mức bình thường.
2. Cách xử lý
Kiểm tra và chỉnh lại vị trí lắp đặt đường ống đảm bảo các khớp nối của ống thoát khí đúng cách và chặt chẽ.
Loại bỏ vật lạ trong cánh quạt; trường hợp cánh quạt bị gãy thì cần thay mới.
Điều chỉnh chế độ hút phù hợp với mức độ mùi và không gian phòng bếp để giảm thiểu tiếng ồn.
Sử dụng máy hút mùi có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo hiệu suất và tiếng ồn thấp.
Chọn đường ống thoát khí phù hợp, có kích thước đủ lớn để khí có thể thoát ra dễ dàng, giảm thiểu tiếng ồn.
Máy hút mùi bị nhỏ nước
1. Nguyên nhân
Đường ống thoát gió không được che chắn cẩn thận, khiến mưa có thể hắt vào máy hút mùi.
Đường ống thoát gió quá nhỏ. Khi đun nấu nhiều, khói mang theo hơi nước không thoát hết ra ngoài, tích tụ thành giọt nước và nhỏ ra.
Máy hút mùi quá bẩn, khiến nước và dầu mỡ tích tụ trong đường ống, các chất bẩn không được làm sạch sẽ tích tụ trong đường ống thổi gió, khiến hơi nước tích tụ và kéo theo cặn bẩn, dầu mỡ chảy ngược ra ngoài.
2. Cách xử lý
Kiểm tra và đảm bảo đường ống thoát gió được lắp đặt đúng cách, miệng ống nên hướng xuống và có che chắn thích hợp.
Nếu ống thoát gió quá nhỏ thì hãy thay ống thoát gió lớn hơn để gió và hơi nước thoát ra hoàn toàn.
Vệ sinh máy và lưới lọc thường xuyên để tránh tích tụ bụi bẩn và dầu mỡ.
Máy tự ngắt khi đang hoạt động
1. Nguyên nhân
Máy quá nóng: Khi máy hút mùi hoạt động trong thời gian dài, động cơ và các bộ phận khác có thể bị nóng lên quá mức, khiến máy tự ngắt để bảo vệ chính nó.
Lưới lọc bị tắc nghẽn: Lưới lọc ngăn dầu mỡ và bụi bẩn đi vào động cơ. Khi lưới lọc bị tắc nghẽn, luồng gió vào động cơ bị hạn chế, làm động cơ nóng lên và máy tự ngắt.
Cánh quạt bị hỏng: Cánh quạt hút gió và đẩy mùi ra ngoài. Khi cánh quạt hỏng, hiệu quả hút mùi giảm, động cơ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp, dẫn đến nóng lên và máy tự ngắt.
Nguồn điện không ổn định: Các vấn đề như cúp điện, chập điện, ổ cắm điện lỏng lẻo hoặc dây điện bị đứt đều có thể làm máy hút mùi tắt đột ngột.
2. Cách xử lý
Tắt bếp và để máy nghỉ ngơi một thời gian cho hết nóng, khởi động lại.
Thường xuyên vệ sinh lưới lọc để loại bỏ dầu mỡ và bụi bẩn tích tụ. Nên vệ sinh ít nhất 1-2 lần/ tuần bằng chất tẩy rửa.
Kiểm tra và thay thế cánh quạt nếu phát hiện có hư hỏng. Nếu không tự thay thế được, hãy liên hệ với dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp.
Đảm bảo rằng phích cắm điện được cắm chắc chắn. Kiểm tra dây điện xem có bị đứt hoặc hỏng không và thay thế nếu cần. Sử dụng ổ cắm khác để kiểm tra xem máy có hoạt động không.
Lắp đặt máy đúng theo hướng dẫn để đảm bảo máy hoạt động ổn định và không bị ngắt quãng.
Máy không hút hết mùi
1. Nguyên nhân
Máy hút mùi có công suất quá thấp so với diện tích và không gian bếp, dẫn đến việc không thể hút hết mùi hôi và khói.
Khoảng cách giữa máy hút và bề mặt nấu quá xa khiến khả năng hút mùi bị giảm sút.
Lưới lọc và ống thoát khí bị tắc nghẽn do tích tụ dầu mỡ, bụi bẩn và các chất cặn bám, làm giảm khả năng hút mùi của máy.
Cánh quạt bên trong máy hút mùi bị hỏng, làm giảm hiệu quả hút mùi và khả năng đẩy không khí ra ngoài.
Ống thoát khí bị rò rỉ, tắc nghẽn hoặc hư hỏng, làm giảm khả năng đẩy không khí và mùi ra ngoài không gian bếp.
2. Cách khắc phục
Đảm bảo rằng công suất hút của máy phù hợp với diện tích và không gian bếp.
Công suất dưới 500W phù hợp với diện tích không gian hoặc căn hộ nhỏ.
Công suất từ 500W - 1000W thích hợp cho hầu hết các gia đình.
Công suất trên 1000W thường được sử dụng trong môi trường cần hút khói liên tục, không gian lớn như trong nhà hàng, nhà bếp chuyên nghiệp.
Đảm bảo khoảng cách lắp đặt giữa máy và bề mặt bếp nấu hợp lý để nâng cao hiệu suất hút. Khoảng cách thông thường từ 65 cm đến 75 cm.
Vệ sinh lưới lọc và ống thoát khí để loại bỏ dầu mỡ, bụi bẩn và các chất cặn bám định kỳ 1-2 lần/tuần.
Kiểm tra cánh quạt và thay thế nếu phát hiện hư hỏng. Liên hệ với kỹ thuật viên nếu không có kỹ thuật chuyên môn để tránh hư hỏng thêm.
Kiểm tra ống thoát khí để đảm bảo không có lỗ hổng, rò rỉ hoặc tắc nghẽn. Thay thế ống thoát khí nếu phát hiện bất kỳ hư hỏng nào. Đảm bảo ống thoát khí được lắp đặt chắc chắn và không có cản trở trong đường ống.
Máy bị rò rỉ dầu
1. Nguyên nhân
Rò rỉ dầu mỡ là một lỗi phổ biến của máy hút mùi, nguyên nhân thường do:
Lưới lọc bị tắc nghẽn do dầu mỡ và bụi bẩn tích tụ trong quá trình sử dụng. Khi lưới lọc không thể thông thoáng, dầu mỡ không được hút hết và có thể chảy ngược ra ngoài.
Đường ống dẫn dầu mỡ bị hư hỏng hoặc tắc nghẽn do cặn bẩn và dầu mỡ tích tụ, làm cho dầu mỡ không thể lưu thông và gây rò rỉ ra ngoài.
Máy hút mùi lắp đặt không đúng cách hoặc không đúng kỹ thuật có thể khiến dầu mỡ không được dẫn ra ngoài một cách hiệu quả, dẫn đến tình trạng rò rỉ.
2. Cách khắc phục
Thường xuyên vệ sinh lưới lọc để loại bỏ dầu mỡ và bụi bẩn tích tụ. Nên làm sạch lưới lọc định kỳ 1-2 lần/ tuần để đảm bảo thông thoáng.
Kiểm tra đường ống dẫn dầu mỡ để phát hiện và khắc phục các vị trí bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng. Thay thế đường ống nếu cần thiết để đảm bảo dầu mỡ được dẫn ra ngoài một cách hiệu quả.
Đảm bảo máy hút mùi được lắp đặt đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu cần, nhờ đến sự hỗ trợ của thợ lắp đặt chuyên nghiệp để kiểm tra và điều chỉnh lại.
Những lưu ý khi sử dụng máy hút mùi
Vệ sinh máy hút mùi thường xuyên để đảm bảo máy hoạt động tốt. Một số bộ phận của máy có thể bén lửa nếu không được làm sạch kỹ lưỡng.
Tránh đặt các vật dụng dễ cháy nổ dưới máy hút mùi.
Không lắp đặt máy hút mùi trên tường gỗ hay tường ốp bằng các vật liệu dễ cháy.
Làm sạch lưới lọc mỡ thường xuyên để tăng hiệu quả hoạt động của máy hút mùi.
Đảm bảo phòng bếp luôn thông thoáng.
Ngắt nguồn điện trước khi vệ sinh máy hút mùi để đảm bảo an toàn.
Vệ sinh thân máy với nước nóng và nước rửa chén pha loãng 2 tháng/lần để bảo vệ máy khỏi bị ăn mòn.
Tránh để motor và các phần khác của máy ngấm nước.
Hạn chế tiếp xúc của lưới lọc mỡ với nguồn nhiệt quá cao.
Không tháo thanh cố định bộ lọc than hoạt tính.
Khi máy hút mùi gặp sự cố, gọi trung tâm bảo hành để kiểm tra, tránh tự ý tháo rời máy.
Không kết nối ống khói của máy hút mùi với ống thoát khí của các thiết bị khác.
Tuyệt đối không mở bộ lưới lọc khi máy đang hoạt động.
Tránh chạm vào bóng đèn ngay sau khi sử dụng vì có thể gây bỏng.
Không sử dụng máy hút mùi nếu không có bộ lưới lọc.
Trên đây Junger đã gửi đến bạn thông tin về các lỗi thường gặp của máy hút mùi và cách khắc phục hiệu quả. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn sử dụng dễ dàng, đúng cách và xử lý kịp thời các sự cố trên máy hút mùi trong căn bếp của mình nhé!